Rộn ràng mùa hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer Nam bộ

Mới đây, tỉnh Trà Vinh đã tổ chức lễ hội Ok Om Bok năm 2020. Đây là một trong hai lễ hội lớn nhất trong năm cùng với Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer Nam bộ. Lễ hội này được tổ chức vào thời điểm kết thúc vụ mùa để tỏ lòng biết ơn đối với Mặt trăng, vị thần thiên nhiên đã giúp đỡ người dân trong việc bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại cây trái tốt tươi và sự no ấm cho phum, sóc. Lễ hội truyền thống này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Khai mạc lễ hội Ok Om Bok năm 2020.

Sự kiện được tổ chức nhằm tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Lễ hội Ok Om Bok năm nay sẽ diễn ra liên tục trong 6 ngày (từ 25/10 đến hết 31/10/2020) với nhiều hoạt động văn hóa chính như: lễ cúng trăng, thả đèn gió, đèn nước; hội đua ghe ngo… Ngoài các loại trái cây, nông sản thì mâm lễ vật cúng Trăng của đồng bào Khmer không thể thiếu cốm dẹp.

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, lễ hội Ok Om Bok tỉnh Trà Vinh năm nay được tổ chức với các hoạt động vừa mang ý nghĩa thiết thực, tạo không khí vui tươi, vừa đảm bảo an toàn, tiết kiệm.

Các hoạt động chính của lễ hội gồm: “Tuần lễ Văn hóa, Du lịch – Liên hoan ẩm thực Nam bộ” với quy mô 30 gian hàng của các nhà hàng, khách sạn và các cơ sở ăn uống trong và ngoài tỉnh tham gia giới thiệu đặc sản vùng miền; Triển lãm “Du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long”; Công bố bộ nhận dạng thương hiệu du lịch và tổ chức đoàn (Famtrip) khảo sát giới thiệu tuyến điểm du lịch mới tỉnh Trà Vinh; Hội chợ Thương mại và giới thiệu tôn vinh sản phẩm nông sản an toàn; Liên hoan Nghệ thuật quần chúng Khmer tỉnh Trà Vinh và Hội thi trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Khmer; cùng nhiều hoạt động thể thao, như: đua ghe Ngo, thi đấu bóng chuyền nam dân tộc Khmer và các trò chơi dân gian,…

Lễ Ok Om Bok được tổ chức ở tỉnh Sóc Trăng có quy mô lớn nhất vì nơi đây tổ chức hội đua ghe ngo quy tụ nhiều đội ghe và vận động viên các tỉnh tham gia, thu hút người dân trong và ngoài tỉnh  đến xem và cổ vũ. Ghe ngo làm bằng một thân cây nên còn gọi là thuyền “độc mộc” có chiều dài khoảng 22  đến 24 m có từ 50 đến 60 vận động viên bơi bằng dầm gỗ. Chiếc ghe ngo có mũi và lái đều cong, thân được trang trí hoa văn tinh tế, đầu ghe có hình con thú biểu trưng cho từng ghe. Ghe ngo là đại diện cho mỗi chùa và được xem là tài sản quý giá, thiêng liêng của phum sóc, được bảo quản cẩn thận tại chùa. Ghe chỉ được hạ thủy (xuống nước) một lần trong năm vào dịp lễ hội Ok Om Bok.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Ngô Hùng, lễ hội Ok Om Bok – Ðua ghe ngo luôn được tỉnh Sóc Trăng tổ chức và duy trì hằng năm nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung. Năm nay có 42 đội ghe nam, sáu đội ghe nữ của Sóc Trăng và các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu tham gia. Các đội ghe ngo tranh tài cự ly truyền thống 1.200 m đối với nam và 1.000 m đối với nữ.

Đua ghe ngo truyền thống mừng lễ hội Ok Om Bok.

Đặc biệt, lễ hội Ok Om Bok năm nay còn diễn ra phục dựng lễ cúng Trăng vào tối 30-10. Trong quan niệm của người Khmer, Mặt trăng là vị thần điều tiết mưa nắng, đem lại sự phát triển thuận lợi cho mùa màng và công việc đồng áng của con người. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trần Minh Lý cho biết: “Lễ cúng Trăng trong khuôn khổ lễ hội Ok Om Bok nhằm mục đích không chỉ bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu tính nhân văn của đồng bào Khmer mà còn là điểm nhấn về những sắc màu văn hóa du lịch của Sóc Trăng để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến với địa phương. Ngoài ra lễ cúng Trăng còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết các dân tộc, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương, ý thức trách nhiệm của mọi người trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Ông Dương Hoàng Sum cho biết thêm, ngoài ý nghĩa gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer Trà Vinh, lễ hội Ok Om Bok còn là dịp giới thiệu, quảng bá đến du khách những hình ảnh về con người Trà Vinh; các tiềm năng du lịch của tỉnh; tăng cường công tác giao lưu, liên kết phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch với các tỉnh, thành phố; thực hiện tốt công tác xúc tiến, kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân đầu tư vào việc phát triển ngành du lịch của tỉnh Trà Vinh.