Hơn 30 năm gắn bó với nghề, Nghệ nhân Quốc gia Nguyễn Hồng Phong hiện là người thợ, cũng là thầy, người có biệt tài phác họa ra những sản phẩm trang sức đầy tính mỹ thuật, đẹp sắc sảo và khó lẫn với ai được.
Trong nghề kim hoàn, nghệ nhân Nguyễn Hồng Phong được các giới đồng môn đánh giá là một “viên ngọc quý” với nhiều năm cống hiến hết mình cho nghề, ghi dấu nhiều thành quả, đó là niềm khát khao không dễ chạm tới với nhiều người trong nghề. Năm 2015 anh tham gia cuộc thi Vàng và Trang sức Việt Nam lần thứ Vll và vinh dự được nhận giải Đôi bàn tay vàng và được Trung ương Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm nghề kim hoàn, nên ngay từ khi còn nhỏ anh đã được tiếp xúc và bén duyên với những sản phẩm chạm trổ từ vàng, bạc tinh xảo. Vốn có tình yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp ngấm vào máu nên anh đã không ngừng tìm tòi, học hỏi các kiến thức chuyên sâu về nghề kim hoàn, luôn đam mê làm việc và thể hiện tài năng thiên bẩm của mình để có thể chế tác những sản phẩm vô cùng độc đáo.
Nghệ nhân Nguyễn Hồng Phong chia sẻ: “Một nghệ nhân làm nghề để có thể cho ra đời những sản phẩm đẹp cho đời ngoài việc có được một đôi mắt thẩm mỹ cùng đôi bàn tay khéo léo thì còn phải có tư duy và trí tuệ. Ngoài ra, các khâu trong quá trình chế tác kim hoàn đều rất khó nên đòi hỏi người làm nghề phải có sự tỉ mỉ, chính xác, và kiên nhẫn. Đặc biệt hơn, nghề kim hoàn không dành cho những người lười biếng”.
Để làm được một sản phẩm trang sức từ vàng, bạc cần qua rất nhiều công đoạn như: Cân đong nguyên liệu; tính toán số liệu cho đủ độ dài ngắn; cán nguyên liệu; đo, cắt nguyên liệu; kẻ vẽ, tạo hình; thúc nổi hoa văn; chạm trổ; sửa, rũa; uốn; làm đồ phụ; làm trơn; tẩy rửa; làm bóng mới ra thành phẩm. Với những sản phẩm làm theo mẫu, chẳng hạn như những bức tranh phong cảnh hoặc phỏng theo các câu chuyện cổ tích, thì người thợ kim hoàn cần phải tính toán chi tiết để làm sao với một diện tích có hạn, có thể mô phỏng được mẫu trên sản phẩm, mà người xem vẫn thấy được cái hồn của những nhân vật, hoạ tiết trong đó. Bởi vậy mà người làm nghề chế tác vàng bạc luôn phải có tính tính tỷ mỉ, cẩn thận, cần cù, chịu khó. Bên cạnh đó, phải có khiếu thẩm mỹ và tính sáng tạo cao. Nghệ nhân Hồng Phong chia sẻ thêm.
Bằng đôi bàn tay khéo léo của mình, những sản phẩm mà anh Phong đã chế tác như lắc, dây chuyền, vòng tay, nhẫn.. đều chứa đựng sự tinh tế, phong phú không những về kiểu dáng mà còn luôn tạo được sự cuốn hút đặc biệt với người tiêu dùng trong cả nước. Những sản phẩm mà anh tạo ra không những đảm bảo được sự chính xác trong từng khâu chế tác mà còn là một tác phẩm nghệ thuật có sự nghiêm túc và khắc khe về kỹ thuật, còn chứa đựng sự tinh túy và mang giá trị thẩm mỹ cao. Chính sự tỉ mỉ, cầu kỳ ấy của ông và những người thợ làm nghề đã tạo ra những sản phẩm trang sức đạt đến đỉnh cao của sự hoàn mĩ và khó có thể trộn lẫn với sản phẩm của những thợ làm nghề khác.
Bằng niềm tự hào và lòng yêu nghề vô bờ bến của mình, anh Phong luôn trăn trở trong việc giữ gìn và phát triển nghề chế tác kim hoàn, anh luôn mong muốn nhà nước sẽ tạo điều kiện hơn trong việc bảo tồn nghề kim hoàn truyền thống, phát huy thế mạnh của ngành kim hoàn. Bên cạnh đó, việc tổ chức những khóa đào tạo, nâng cao tay nghề cho thế hệ thợ trẻ cũng cần được chú trọng để nghề kim hoàn không bị mai một và thất truyền.
Để trở thành một người thợ kim hoàn giỏi, nghệ nhân Nguyễn Hồng Phong đúc kết, người làm nghề cần phải có đức tính siêng năng, không ngừng học hỏi những kinh nghiệm của thầy, của bạn.
“Với ý tưởng sáng tạo tốt, đôi bàn tay khéo là chưa đủ mà còn phải kiếm cho mình chữ tín. Một khi đôi tay của anh có nghề và có uy tín thì nghề sẽ mang lại cho anh nhiều giá trị khó mà đóng đếm hết được”, anh Phong chia sẻ.
Ngắm nhìn 1 số sản phẩm trang sức mới của nghệ nhân Nguyễn Hồng Phong:
Hoàng Nhung