Giá xăng dầu hôm nay (6-11): Tuần tăng giá thứ 2 liên tiếp

Cú leo dốc cao bất ngờ ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần đã đẩy giá xăng dầu tuần này tăng. Tính cả tuần, dầu Brent tăng 2,9%, dầu WTI tăng tới 4,7%.

Giá dầu trong tuần đã có 2 phiên trượt dốc và 3 phiên leo dốc, chịu tác động bởi nhiều yếu tố, trong đó có dự trữ xăng dầu giảm và kỳ vọng sản lượng tăng ở Mỹ, khả năng thắt chặt và nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19 của Trung Quốc và sự tăng lãi suất khủng lần thứ tư của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Giá xăng dầu đã có thêm một tuần tăng. Ảnh minh họa: Oilprice 

Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá dầu đã giảm khoảng 1 USD do kỳ vọng sản lượng của Mỹ có thể tăng cùng nguồn cầu giảm ở Trung Quốc bởi sự gia tăng các biện pháp hạn chế Covid-19.

Theo dữ liệu hằng tháng của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu của nước này đã tăng 0,9% lên 11,98 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức cao nhất kể từ khi bùng phát đại dịch Covid-19. Bob Yawger, giám đốc phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai của Mizuho ở New York, nhận xét sản lượng dầu của Mỹ sẽ tăng cao hơn nhưng sẽ không vượt 13,1 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong ba quý đầu năm giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khoản lỗ của phiên đầu tiên đã nhanh chóng được bù đắp ở phiên giao dịch thứ hai của tuần. Một sự lạc quan về việc Trung Quốc có thể mở cửa trở lại sau các hạn chế Covid-19 nghiêm ngặt và dự trữ xăng dầu của Mỹ giảm đã đẩy giá dầu tăng gần 2 USD.

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 3,1 triệu thùng trong tuần trước, dự trữ xăng giảm 1,3 triệu thùng, và dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng khiêm tốn 400.000 thùng.

Theo nhận xét của Tamas Varga thuộc công ty môi giới dầu PVM, nguồn cung dầu giảm sau khi Mỹ ngừng giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược và tăng trưởng nhu cầu dầu được phục hồi có thể đẩy giá dầu thô trở lại mức 3 con số, tức là vượt 100 USD/thùng.

Giá dầu đã tiếp đà tăng thêm gần 2 USD ở phiên giao dịch thứ ba bất chấp sự sụt giảm của chứng khoán và sự mạnh lên của đồng bạc xanh sau khi Fed quyết định tăng lãi suất khủng 0,75 điểm cơ bản lần thứ tư trong năm. 

Đà tăng của dầu đã bị cắt đứt khi Trung Quốc tiếp tục áp dụng chính sách “Không Covid” và đồng bạc xanh mạnh lên làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu. Tuy nhiên, mức lỗ được hạn chế do lo ngại về nguồn cung khan hiếm, vì vậy giá dầu chỉ giảm khoảng 2%.

Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA cho biết: “Dầu đang phải đối mặt với cả triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu và đồng USD tăng mạnh”. 

Giá dầu đã nhanh chóng phục hồi ở phiên giao dịch cuối cùng của tuần. Sự leo dốc đột ngột tới hơn 5% của giá dầu diễn ra trong bối cảnh thị trường không chắc chắn về việc tăng lãi suất trong tương lai của Fed, trong khi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga cận kề và khả năng Trung Quốc nới lỏng một số hạn chế Covid. Dầu Brent tăng lên mức 98,57 USD/thùng, dầu WTI của Mỹ chạm 92,61 USD/thùng. 

Với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, đặc biệt là sự tăng sốc ở phiên thứ 5 đã tạo cơ hội cho hai mặt hàng dầu tiêu chuẩn có thêm một tuần tăng giá. Tính cả tuần, dầu Brent tăng 2,9% và dầu WTI tăng 4,7%.

Tuần tới, các nhà đầu tư chờ đợi triển vọng năng lượng ngắn hạn của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tháng 11 để có cái nhìn sâu sắc về tốc độ lạm phát ở nước này, vốn tác động không nhỏ đến sự biến động của giá dầu. 

Giá xăng dầu trong nước

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 6-11 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 21.873 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 22.756 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.070 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.783 đồng/lít và dầu mazut không quá 14.082 đồng/kg.

MAI HƯƠNG