Sáng kiến mới tại nơi làm việc “Made in Việt Nam”, góp phần nâng cao năng suất lao động

Nhằm chia sẻ, phổ biến các giải pháp mới tại nơi làm việc góp phần nâng cao năng suất, hiệu suất lao động hậu Covid-19, chiều 20/12, Respect Việt Nam phối hợp Hiệp hội doanh nghiệp các nước Bắc Âu (Nordcham) tổ chức Hội nghị bàn tròn “Sáng kiến mới tại nơi làm việc “Made in Việt Nam”.

Hội thảo tổ chức online và offline tại Hà Nội với sự tham gia của nhiều chuyên gia

Tại Hội nghị, bà Đặng Thị Hải Hà, người sáng lập Respect Việt Nam và Weatwork.co chia sẻ: Sau quá trình hơn 10 năm nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có 3 thách thức lớn nhất mà người sử dụng lao động và người lao động thường phải đối mặt.

Thứ nhất, đó là hai bên chưa thực sự thấu hiểu nhau dù nỗ lực đối thoại và trao đổi thông tin nội bộ, đặc biệt trong những biến động.

Thứ hai, đó là hai bên khó xác định ưu tiên và thường thay đổi mục tiêu của mình trong mỗi giai đoạn khác nhau của mối quan hệ tại nơi làm việc.

Cuối cùng, mỗi bên chịu tác động mạnh mẽ bởi các quyết định của nhau và rất cần tư duy tinh gọn, đồng thời hiểu biết sâu sắc về nhau để cùng hướng về giá trị cốt lõi mà cả hai cùng muốn chia sẻ.

Bà Đặng Thị Hải Hà cũng chia sẻ hai ví dụ cụ thể, một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ nhiều năm tiên phong về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhưng chỉ vì một lần bị phát hiện báo cáo sai lệch thông tin so với tiêu chuẩn quản trị của khách hàng quốc tế nên đã bị dừng cả tàu hàng trị giá hơn 2 triệu đô để chịu phạt vi phạm và khắc phục hậu quả.

Ví dụ thứ hai là một chuỗi khách sạn có tiếng ở Việt Nam muốn hội nhập khu vực và được thị trường quốc tế thừa nhận nhưng thay đổi 5 lần CEO và tỉ lệ nghỉ việc trên 50% hàng năm nên vẫn không thể đưa nhãn hiệu ra khỏi Việt Nam.

Bà Đặng Thị Hải Hà, người sáng lập Respect Việt Nam và Weatwork.co chia sẻ tại Hội nghị.

Điểm chung lớn nhất của hai câu chuyện kinh doanh này chính là chỉ ưu tiên thị trường doanh thu, thiếu đầu tư vào sự thiếu hiểu biết về nguồn lực nội tại và năng lực quản trị tổ chức.

Xuất phát từ những lý do đó, Respect Việt Nam đã nghiên cứu và xây dựng các sáng kiến tại nơi làm việc góp phần nâng cao năng suất, hiệu suất lao động, nhất là hậu Covid-19 dựa trên 3 mô hình.

Thứ nhất, mô hình “Tinh gọn tư duy – Gắn kết hành động”, đơn giản hóa và trực quan mọi quy định pháp luật, nội quy lao động, tiêu chuẩn quy trình thành hình ảnh và giản đồ tạo ra tiếng nói chung để hai bên có thể trao đổi thông tin và truyền thông tinh gọn, loại bỏ tạp tin, nhiễu tin để cùng duy trì và hướng về giá trị cốt lõi mà hai bên đã giao ước khi tham gia vào quan hệ tại nơi làm việc.

Hai là, mô hình “Học sâu dưới phần nổi của tảng băng trôi” thông qua các công cụ ghi nhận ý kiến từ dưới lên và biến chúng thành các cải tiến liên tục trong doanh nghiệp. Mô hình này bao gồm cả các khiếu nại nặc danh trong các doanh nghiệp mang tính kiểm soát áp đặt khi tin rằng “kỷ luật” khắc nghiệt mang lại thành công.

Ba là, mô hình “Quản trị Mục tiêu trên Một trang giấy tạo thay đổi”, kết hợp hai mô hình kinh điển quản trị mục tiêu và kết quả chính và mô hình kinh doanh BMC – Business Model Canvas. Mô hình cho phép mọi tầng nhân sự trong tổ chức có thể đánh giá chéo và hiểu nhau rõ hơn thông qua cách xác định ưu tiên và giá trị cốt lõi, trong đó khách hàng được đặt vào vị trí trung tâm nhưng nguồn nhân lực chất lượng là chìa khóa mở cửa nhãn quan và sự gắn bó của khách hàng.