Công bố Báo cáo quốc gia phụ nữ trong xã hội Việt Nam 2022

Ngày 5/4 tại Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) phối hợp với Tổ chức Hanns Seidel Stiftung (CHLB Đức) tổ chức Tọa đàm giới thiệu những kết quả trong “Báo cáo Quốc gia về Việt Nam 2022: Phụ nữ trong Xã hội Việt Nam” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Trên cơ sở những kết quả nghiên cứu chính này, tọa đàm đã tạo nền tảng cho các thảo luận sâu hơn về các vấn đề liên quan.

PGS.TS Đào Thanh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) phát biểu khai mạc Tọa đàm

Đây là số thứ năm trong chuỗi Báo cáo Quốc gia Việt Nam được thực hiện bởi sự hợp tác thành công giữa Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), Đại học Justus-Liebig Universität Gießen (CHLB Đức) và Tổ chức Hanns Seidel (CHLB Đức).

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo đảm quyền của phụ nữ, được quốc tế và khu vực ghi nhận. Nhờ đó, phụ nữ Việt Nam đã có nhiều cơ hội để tiếp cận quyền, cống hiến và hưởng thụ. Tuy nhiên, dưới góc độ quyền con người, Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế trong bảo đảm quyền của phụ nữ như: hạn chế trong thể chế bảo đảm quyền, trong sự vận hành của thiết chế bảo đảm quyền; hạn chế do rào cản từ chính phụ nữ chưa vượt qua chính mình; hạn chế trong thực tiễn bảo đảm quyền của phụ nữ. Tư tưởng trọng nam, khinh nữ còn dai dẳng là nguyên nhân dẫn đến sự phân biệt đối xử với phụ nữ; bất bình đẳng trong tuổi nghỉ hưu, tạo rào cản cho phụ nữ tiếp cận quyền tham chính nên tỷ lệ phụ nữ tham chính thấp; hạn chế trong tiếp cận việc làm nên tỷ lệ phụ nữ thất nghiệp còn cao; hạn chế trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên còn tỷ suất tử vong mẹ còn cao so với một số nước trong khu vực; quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình chưa được bảo đảm tốt, dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ; hạn chế trong hưởng thụ các quyền an sinh xã hội; hạn chế trong tiếp cận quyền văn hóa, xã hội; đặc biệt là chưa quan tâm đúng mức đến bảo đảm quyền của phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số…

Quang cảnh Tọa đàm

Mục tiêu của báo cáo lần này là “Giới thiệu một bức tranh toàn cảnh về phụ nữ ở Việt Nam – không phân biệt tuổi tác, dân tộc, xu hướng tính dục, nghề nghiệp hay địa vị xã hội”. Từ đó, Báo cáo “sẽ đóng góp vào các cuộc thảo luận chính trị và học thuật đang diễn ra về bình đẳng giới ở Việt Nam, đồng thời cung cấp cho độc giả quốc tế những hiểu biết thú vị về vấn đề này ở Việt Nam”.

Sau phần mở đầu với phát biểu của đại diện Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) và Tổ chức Hanns Seidel, TS. Detlef Briesen – Đồng Chủ biên của Báo cáo – đã trình bày những kết quả nổi bật trong các nghiên cứu được tập hợp trong ấn phẩm.

Nội dung báo cáo gồm bốn phần. Ở phần đầu tiên, báo cáo phân tích sự thay đổi trong quan điểm và mô hình vai trò diễn ra ở Việt Nam thông qua ba nghiên cứu trong nửa sau của thế kỷ 20. Thứ hai, báo cáo trình bày mục tiêu của chính sách bình đẳng giới của nhà nước cùng với những thành tựu đã đạt được: vấn đề trao quyền và thúc đẩy phụ nữ, vấn đề giáo dục, khuyến khích nữ sinh và sự bất cân xứng trong lựa chọn nghề của giới trẻ; vấn đề thúc đẩy nghề nghiệp và nâng cao năng lực cho phụ nữ, đặc biệt là trong kinh doanh; và vấn đề hoàn cảnh đặc biệt của phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và nỗ lực vận động phụ nữ ở các vùng đó phát triển bền vững.

Trong phần thứ ba, báo cáo bàn luận về những thách thức cụ thể đối với phụ nữ trong xã hội Việt Nam như: nhóm nữ lãnh đạo đang phát triển, những vấn đề cụ thể của thị trường lao động phi chính thức, hay vấn đề bạo lực gia đình, và tình trạng thiểu số tính dục trong nước. Cuối cùng, Báo cáo được kết thúc bởi một nghiên cứu tổng quan về các khuôn khổ pháp lý, quy định và các chương trình liên quan đến vấn đề phụ nữ ở Việt Nam.

Buổi tọa đàm còn có phiên thảo luận với sự tham gia của các nhà khoa học và đại diện các cơ quan, tổ chức ở trong và ngoài nước: Ông Nghiêm Xuân Nam – Phó Vụ Trưởng, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bà Thảo Griffiths – Giám đốc về Chính sách Công tại Thị trường Việt Nam thuộc Văn phòng Châu Á – Thái Bình Dương của Công ty Meta; Bà Nguyễn Thị Tuyết – Nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; TS. Lailufar Yasmin, Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Dhaka, Bangladesh (tharn gia qua Zoom) và TS. Dương Kim Anh – Phó Giám đốc, Học viện Phụ nữ Việt Nam

Kết thúc Tọa đàm có những tổng kết từ đại diện Nhóm biên tập Báo cáo và một số thông tin về Báo cáo số tiếp theo với chủ đề “Thị trường Lao động Việt Nam”.