Chùm hài kịch “Tốc độ”: thức tỉnh văn hóa tham gia giao thông

Khác với sự vắng vẻ của các nhà hát mùa covid, cuối tuần, đêm diễn “Tốc độ” của Nhà hát Tuổi trẻ khán giả mua vé ngồi kín rạp. Chùm hài kịch do “Giáo sư Cù Trọng Xoay”- Đinh Tiến Dũng viết kịch bản, NSƯT Sĩ Tiến đạo diễn được ví như một hồi còi cấp cứu “thức tỉnh” ý thức tham gia giao thông của khán giả.

“Tốc độ” là chùm hài kịch về chủ đề an toàn giao thông (ATGT) được Nhà hát Tuổi trẻ  công diễn vào các tối thứ 7, Chủ nhật hàng tuần trong tháng 12/2020. Chùm hài kịch gồm 4 tiểu phẩm: “Đường tắc mắc duyên”, “Bạn thân”, “Quán ân nhân” và “Sương mù”. Bốn tiểu phẩm là bốn mảnh ghép dựng lên bức tranh giao thông Việt Nam chân thực và nhức nhối. Chân thực đến nỗi ai cũng thấy mình trong đó, là một phần của bức tranh.

Vẫn là dàn diễn viên tên tuổi quen thuộc với hài kịch như: NSƯT Đức Khuê, NSƯT Thu Hương, Thanh Dương, Thu Quỳnh, Chí Huy, Thanh Bình, Anh Thơ,… nhưng “Tốc độ”  đánh dấu một sự mới mẻ trong cách dàn dựng. NSƯT Sĩ Tiến đã khéo léo kết hợp giữa kịch nói và kịch hình thể, điện ảnh, công nghệ 4.0 vào vở diễn. Không chỉ dàn dựng kỹ thuật sân khấu kịch thông thường, “Tốc độ” mang tới cho khán giả cảm xúc nhiều chiều về thị giác và âm thanh, tác động mạnh hơn, hiệu quả hơn khi xem vở diễn. Đặc biệt âm thanh chói tia, chát chúa, hình ảnh trình chiếu những vụ tai nạn thảm khốc, thậm chí miêu tả sự rời đi của linh hồn… gây sợ hãi và “ám ảnh” khán giả, tác động mạnh trong tâm trí.

“Giáo sư Cù Trọng Xoay”- Đinh Tiến Dũng đã đưa ra những tình huống gần gũi nhất, chân thực nhất vào “Tốc độ” như: vi phạm giao thông, nhậu nhẹt khi họp lớp, lấn chiếm vỉa hè, tiếp khách đối tác phải uống hết mình, gây tai nạn chết người rồi bỏ trốn… Mọi tình huống trong 4 câu chuyện của “Tốc độ” chân thực đến mức ai cũng thấy gặp hàng ngày, ít nhiều có mình trong đó. Trong cuộc sống hàng ngày, ai trong chúng ta có đôi lần kích bác, thách đố bạn bè “uống hết mình”, “uống phải nhiệt tình” để rồi sau cuộc vui có người phải vào bệnh viện, nhẹ thì tàn phế, nặng thì mãi mãi không về nhà, bỏ lại vợ con bơ vơ, côi cút…

Khi lựa chọn tên gọi “Tốc độ” cho chùm hài kịch, các tác giả hẳn đã muốn nhắc nhở mọi người phải giữ an toàn khi tham gia giao thông. Kiểm soát tốc độ, kiểm soát “tửu lượng”.

Khởi đầu chương trình, tiểu phẩm “Đường tắc mắc duyên” mang đến cho khán giả câu chuyện hoàn toàn hài hước về một chiến sĩ cảnh sát giao thông bị bố mẹ vợ tương lai “lục vấn” điều tra, xét hỏi. Mức gay cấn tăng lên khi tiểu phẩm “Bạn thân” chứng kiến cảnh sau cuộc nhậu họp lớp, một người bạn “ra đi” để lại người vợ trẻ và đứa con thơ. Mạnh mẽ hơn, tiểu phẩm “Quán ân nhân” miêu tả vỉa hè bị một bà bán nước chè chén lấn chiếm, mọi người phải đi bộ xuống lòng đường đông chật, khiến nhiều tai nạn xảy ra. Câu chuyện lên đến đỉnh điểm trong tiểu phẩm “Sương mù” khi một cậu thanh niên đang ở vị trí đầy triển vọng phải tiếp khách uống rượu gây ra tai nạn chết hai người rồi bỏ trốn. Dù bồi thường nhưng 6 năm ngồi tù khiến cha mẹ, người thân của cậu đều sống trong sự day dứt và mặc cảm, ám ảnh… Sai lầm của các nhân vật trong chùm hài kịch khiến người xem bị ám ảnh, tự đặt ra câu hỏi và tìm được cho mình đáp án: Đừng phóng nhanh, vượt ẩu, đừng vin vào bất kì lý do gì để uống rượu say khiến toàn bộ sự nghiệp sụp đổ, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và người thân…

Đạo diễn NSUT Sĩ Tiến chia sẻ về Tốc độ

Đạo diễn NSƯT Sĩ Tiến tâm sự: “Đi đường thì thấy người Việt Nam rất khổ, cũng không biết đổ lỗi cho ai. Chúng tôi chỉ mong rằng những tiếng cười mà chúng tôi mang đến cho công chúng sẽ phần nào góp vào sự thay đổi trong văn hóa giao thông của người Việt.”

Tuyết Vân